✉ congtydiaocnhanland@gmail.com     |      📞 0938.969.666

KÊNH TIẾP VỐN CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN ĐẾN TỪ ĐÂU TRONG MÙA CUỐI NĂM

Trong bối cảnh các thị trường vốn gồm chứng khoán, trái phiếu, tín dụng ngân hàng đang bị thắt chặt khiến cho dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản cũng bị thu hẹp đáng kể. Từ nay đến cuối năm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài thông qua kênh trực tiếp (FDI) lẫn kênh mua bán và sáp nhập (M&A) đang được xem là hai nguồn hiếm hoi tạo động lực cho thị trường.

Thời điểm vàng để vốn ngoại giải ngân

Trong khi hai dòng vốn quan trọng vào bất động sản là tín dụng ngân hàng và trái phiếu bị hạn chế thì FDI tiếp tục là điểm sáng. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 8 tháng qua với hơn 3,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (gần 1,8 tỉ đô la Mỹ).

Trong khi đó, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, việc siết chặt tín dụng nhằm giúp Nhà nước có cơ hội chọn lựa và ưu tiên những doanh nghiệp, dự án có dòng tiền tốt ở các lĩnh vực khác nhau, tùy vào thời điểm và tình hình kinh tế. Ngoài ra, động thái này sẽ hạn chế việc vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng.

Chuyên gia này cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới trong giai đoạn sau đại dịch, giúp quốc gia thu hút nhiều sự quan tâm và nguồn đầu tư nước ngoài. Sau khi các chuyến bay quốc tế được phép mờ lại từ tháng 10-2021, các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch và khách sạn, đã có cơ hội phục hồi.

 “Đây sẽ là cơ hội cho việc phát triển nguồn lực cho dòng vốn FDI ở Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản. Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, một siêu độ thị với hơn 10 triệu dân như TPHCM, các khoản đầu tư này là rất quan trọng”, ông Khương nhấn mạnh.

Nhận định về xu hướng vốn cuối năm, các chuyên gia cho rằng khi các kênh dẫn vốn cho bất động sản trong nước đang gặp khó khăn thì đây lại là cơ hội cho các quỹ đầu tư nước ngoài. Chính các quỹ cũng nhận định rằng, đây chính là cơ hội vàng để họ giải ngân vào bất động sản Việt Nam

Giải pháp vốn chủ động từ M&A

Phương pháp huy động vốn chủ động của nhiều doanh nghiệp vẫn luôn dự vào thị trường chứng khoán với các phương thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên thời gian gần đây thị trường chứng khoán đang có diễn biến tiêu cực khiến cho hàng loạt doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc thay đổi phương án phát hành của mình. Dòng vốn này khó có thể là động lực trong ngắn hạn nên M&A có thể là phương án tiếp theo mà nhiều đơn vị tính đến.

Theo Ông David Jackson, Tổng giám đốc của Colliers Việt Nam, những khó khăn kinh tế vĩ mô như lãi suất tăng và chi phí xây dựng tăng cao đang khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Do đó, M&A dường như là giải pháp tốt nhất có thể để đảm bảo dự án được tiếp tục phát triển. Hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt để các nhà phát triển trong nước huy động vốn trong thời gian tới.

“Các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể liên kết với nhau về tài chính hoặc đơn giản là liên kết đất và tài chính. Hiện có nhiều chủ dự án tại Việt Nam xem đây là giải pháp thích hợp cho tình hình hiện nay thông qua việc chuyển nhượng dự án; hợp tác đầu tư. Thậm chí có thể hợp tác từ lực lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, loại hình khác vào bất động sản”, ông David Jackson cho hay.

Hầu hết chuyên gia cho rằng, khối ngoại chỉ cần nhìn thấy cơ hội ở một môi trường đầu tư thông thoáng, có tính cạnh tranh cao thì chắc chắn sẽ “đổ” vào. Tuy nhiên, để tận dụng được dòng vốn này, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ. Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng phải không ngừng nâng cao nội lực, khả năng để tạo ra những cú “bắt tay” với hiệu quả cao.